1. Xác định rõ nhu cầu
Vì sao bạn nghĩ rằng con mình cần học gia sư? Cháu có khó khăn trong việc học môn nào? Cháu vô cùng vất vả khi làm bài tập về nhà? Một kỳ thi cực kỳ quan trọng đang tới gần? Mối quan hệ giữa bạn và con có tốt không? Con bạn không có vấn đề gì về phát triển trí tuệ chứ?
Hãy rà soát lại và suy nghĩ thật kỹ xem liệu con có cần một sự giúp đỡ đặc biệt nào mà thầy cô ở trường không thể đáp ứng. Theo bạn, con mình không theo kịp bạn bè trong lớp có phải vì cháu ốm, hay vì mới chuyển trường?... Hãy nhìn nhận rõ mục tiêu để tìm cho con người gia sư phù hợp nhất.
2. Trao đổi với giáo viên của con
Mục đích cuối cùng của bạn là giúp con học hành tiến bộ, bởi thế hãy liên lạc với thầy cô của con trên lớp để hỏi thăm những thông tin cần thiết như: Theo thầy/cô, cháu có cần học gia sư không? Cháu đặc biệt yếu kém và cần được kèm cặp riêng môn nào? Có cần tìm một gia sư có kinh nghiệm giảng dạy không?
Nếu được, hãy nhờ thầy cô giới thiệu gia sư giúp, hỏi họ về lịch thi, kiểm tra để gia sư của con bạn có kế hoạch cụ thể cho việc ôn luyện, bồi dưỡng kiến thức.
3. Phẩm chất gia sư
Nhìn chung, người gia sư tốt nhất là người phù hợp với cách học của con bạn. Có thể xem xét đến 3 yếu tố sau:
- Lịch học: Lịch học nào tốt nhất cho con? Tuần 1 hay 2 buổi? Mỗi buổi kéo dài bao lâu? Con bạn sẽ học “một thầy một trò” hay học nhóm? Con sẽ làm bài tập về nhà lúc nào, trong bao lâu mà không bị quá tải?
- Tính cách: Con bạn sẽ dễ tiếp thu, chịu khó lĩnh hội trước một người như thế nào? Gia sư cần là người có thể hợp với con của bạn.
- Phong cách học: Con bạn dễ tiếp thu bài vở qua cách học nào: Nghe giảng “chay”? Học với hình ảnh minh họa? Học thông qua các hoạt động vui chơi? (Nếu bạn không nắm rõ, hãy hỏi thầy/cô giáo của con).
Nếu việc học với con quả thực rất vất vả thì cách dạy truyền thống sẽ không mấy tác dụng. Khi ấy, bạn cần một gia sư sáng tạo hơn, người biết cách giúp con lĩnh hội kiến thức một cách hiệu quả nhất.
4. Lên kế hoạch học tập
Khi đã tìm được gia sư cho con, hãy ngồi lại cùng bàn kế hoạch giúp con tiến bộ. Ví dụ, có thể hỏi người gia sư xem anh/cô ấy dự định tiến hành những bước cụ thể nào trong kế hoạch giúp con của bạn? Mức độ tiến bộ của con sẽ được đánh giá bằng cách nào? Các buổi học sẽ đề cập đến kiến thức, các bài tập, bài kiểm tra trên lớp chứ?
Hãy rõ ràng ngay từ đầu về vấn đề học phí cũng như nguyện vọng của gia sư khi hợp tác cùng gia đình bạn. Sau cùng, ít nhất tuần 1 lần, hãy để ý xem việc học của con và gia sư đang tiến triển đến đâu.
5. Ưu tiên
Con bạn cần hiểu rằng học gia sư cũng rất quan trọng, bởi thế cần có sự ưu tiên. Hãy xếp lịch học cho con vào khoảng thời gian con có thể tập trung tốt nhất.
6. Hãy thực tế
Gia sư không phải một ảo thuật gia tài thánh, quá trình học của con bạn cần thời gian mới thấy rõ sự tiến bộ. Bởi thế, hãy tỉnh táo trước những kỳ vọng, đừng quên cổ vũ con: “Mẹ biết con học vất vả, nhưng đây là kết quả của con tuần trước, hãy xem, tuần này con có tiến bộ rồi”…
Huyền Anh
Theo Ivillage