"Em sợ nói sai"
Bạn Nguyễn Huy Đức, một cựu học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) thẳng thắn thừa nhận: "Mặc dù được học tiếng Anh trong trường từ lớp 6 - 12, tức là 7 năm đấy, nhưng em không thể nào mở miệng nói được một câu. Em cũng đi học ở các trung tâm, học mỗi cái bằng A thôi mà năm lần bảy lượt không thi được. Bây giờ vào đại học, em lại tiếp tục chật vật vì môn học này".
Tình trạng như của bạn Đức không phải là hiếm. Rất nhiều bạn học ngoại ngữ trong trường chỉ đủ để đối phó với các bài kiểm tra, các bài thi, nhưng khi cần giao tiếp thực tế thì không thể nói được một câu tiếng Anh nào. Cũng có những bạn nắm rất chắc ngữ pháp, thậm chí thường đạt điểm cao ở môn tiếng Anh, nhưng chỉ là ở các bài kiểm tra trên giấy, còn khi giao tiếp thực tế lại vẫn ngại ngùng và phản xạ nghe - nói rất kém.
Học tiếng Anh từ cấp tiểu học giúp các em tự tin hơn.
Bạn Trần Thúy Loan, học sinh lớp 8, trường THCS Liên Hòa (Hòa Bình) chia sẻ: "Em thích học tiếng Anh và kết quả học ở trường cũng khá tốt. Thế nhưng hè năm ngoái về Hà Nội chơi ở nhà bác, đi cùng các anh chị em đến một câu lạc bộ tiếng Anh thì em mới phát hiện ra là em rất sợ phải nói tiếng Anh ở chỗ đông người. Vì em sợ bị nói sai...".
Trên một diễn đàn dạy và học tiếng Anh, các thành viên cũng cho rằng: "Có lẽ do bản tính người Việt dễ xấu hổ, nên sợ nếu nói sai thì bị mọi người cười chê, và tốt nhất là giấu dốt".
Học tiếng Anh như "leo cột mỡ"
Cô giáo Nguyễn Phương Nam, khoa tiếng Anh, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, việc học tiếng Anh ở Việt Nam theo phương pháp truyền thống mà học sinh thường rất thụ động và không có môi trường giao tiếp là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh học không hiệu quả, dần dần gây tâm lý chán, ngại học tiếng Anh.
Thực ra trong chương trình học theo sách giáo khoa cũng có băng đĩa để luyện nghe - nói, tuy nhiên có thể do thời lượng bố trí các tiết học, do điều kiện vật chất của các trường, hoặc cũng có thể do thói quen của giáo viên mà việc sử dụng băng đĩa gần như là không được áp dụng trong các trường học, kể cả ở thành thị, chứ không nói gì đến nông thôn. Học sinh chủ yếu chỉ được nghe cô hướng dẫn đọc, nhưng ngay cả cô giáo thì không phải lúc nào cũng đúng.
"Bằng chứng là ở khoa tôi rất nhiều sinh viên quen phát âm sai một số từ cơ bản từ khi còn học phổ thông. Vì thế, các bạn mặc nhiên nghĩ là đúng và đã nói thành quen nên rất khó sửa".
Theo cô Nguyễn Phương Nam, học sinh phổ thông và sinh viên các trường không chuyên về ngoại ngữ thường không được chú trọng học đủ bốn kỹ năng cho phát triển ngôn ngữ - đó là nghe - nói - đọc - viết, mà đa phần chương trình chỉ tập trung vào ngữ pháp. Học ngữ pháp, thi ngữ pháp.
Cách học này làm cho học sinh hoàn toàn thụ động nên không thể có được phản ứng giao tiếp nhanh nhạy, dù bạn có học giỏi tiếng Anh ở trường. Những mẫu câu ngữ pháp này đáng lẽ ra cần phải gắn với giao tiếp thực tế, nếu không những gì học được sẽ trôi đi và việc học sẽ chỉ như "leo cột mỡ".
Theo Lê Na
Khoa học & Đời sống online