Làm bài trắc nghiệm với 0% kiến thức
Bạn thường rất sợ trước những bài kiểm tra trắc nghiệm ở các môn Sinh, Sử, Địa vì phải nắm khá vững kiến thức toàn bài. Dù không phải thuộc lòng nhưng không thể đảm bảo được rằng bạn có thể nhớ hết những gì trong sách.
Vì vậy, trước ngày kiểm tra, bạn hãy làm thử những bài kiểm tra trực tuyến có sẵn, nhưng không được nhìn sách hoặc tra cứu bất kì tư liệu nào nhé! Hãy cố vận dụng những kiến thức trong đầu để tư duy và chọn những phương án thích hợp ngay tức thì. Nếu một bài kiểm tra trực tuyến có thời lượng 15 phút thì bạn nên làm xong trong 5 phút, một bài 45 phút nên làm trong 15 phút. Như thế bạn mới có thể nắm được nhiều dạng câu hỏi và dành thời gian để ôn lại kiến thức.
Sau đó, hãy xem mình đúng được bao nhiêu câu, và sai ở những câu nào. Sau đó hãy mở sách, gạch chân ở những kiến thức mà bạn vừa sai, hoặc chưa nhớ rõ. Kiến thức của bạn từ 0% sẽ nâng lên dần dần, và tăng cao gần như tuyệt đối. Sau khi làm xong, nhớ xem lại toàn bộ nội dung trong sách. Vậy là bạn đã nắm kiến thức rất vững rồi.
Những câu trắc nghiệm trên mạng thường bám sát nội dung bài học, vì vậy bạn thấy câu hỏi ra ở phần nội dung nào thì lưu ý kĩ nội dung đó. Đề kiểm tra trên lớp của bạn cũng sẽ hỏi đúng vào phần trọng tâm mà bạn đã được biết đến qua vài câu trắc nghiệm.
Tuy nhiên, đừng quá phụ thuộc bạn nhé. Nên nhớ là cách học này chỉ dành cho những môn kiểm tra trắc nghiệm thôi đó.
Vận dụng các giác quan
Nếu bạn rất ngán học thuộc lòng thì phương pháp này có thể sẽ giúp bạn đáng kể.
Trước tiên, hãy xem qua toàn bộ nội dung cần học thuộc, sau đó bắt đầu diễn đạt những gì bạn hiểu được dựa vào kiến thức trong sách, và thu âm lại nội dung đó, nghe lại nhiều lần. Tiếp đến, tự khảo bài chính mình bằng cách thu âm giọng nói, ghi lại những gì mình đã thuộc. Đối chiếu để chỉnh sửa sai sót.
Cách này ít tốn thời gian, và bạn rèn luyện được khả năng diễn đạt cùng sự tư duy, bởi "giảng bài cho chính mình" không dễ tí nào đâu bạn ạ!
Học thuộc... bài tập
Cách này chỉ dành cho những môn Toán, Lý, Hóa, nghe thì có vẻ "phản khoa học" nhưng thật sự rất hữu dụng.
Ở mỗi dạng bài tập, bạn hãy chọn một bài mang tính tổng quát nhất làm mẫu. Sau đó cố gắng nhớ thật kĩ, thật lâu đề bài cũng như cách giải cho dạng đó. Những bài tập kế đến, mỗi khi không biết làm, bạn hãy liên hệ tới dạng bài "khung sườn" mà mình đã "khắc ghi" trong đầu thì thế nào cũng tìm được cách giải.
Ví dụ, đối với hình học không gian, hãy chọn một bài phổ biến nhất, bao hàm rất cả các tính chất được học. Bạn cũng có thể tự "phát minh" ra những câu hỏi hóc búa và tự mày mò. Về sau, bài tập đó in sâu vào trí nhớ, nên bạn chỉ cần nhớ ra dạng ấy là tìm đươc hướng đi. Tuy nhiên, kĩ năng và kiến thức cũng rất quan trọng, vì các dạng tính toán rất phong phú, không bó hẹp trong phạm vi nào đâu.
Đi ngược phương pháp truyền thống
Bạn làm bài tập kiểu nào? Tự giải, so với đáp án và chỉnh sửa? Bạn có bao giờ thử làm ngược lại chưa?
Bởi vì, đôi khi những cách học không theo khuôn mẫu lại mang đến hiệu quả nhiều hơn so với những "lối mòn".
Vì vậy, thỉnh thoảng cũng thử cách này bạn nhé: Xem đáp án trước, cố gắng nhớ kĩ năng, và làm lại. Cách này giúp bạn học nhanh hơn, và trình bày chặt chẽ, thuyết phục.
Bạn cũng có thể áp dụng khi làm bài trắc nghiệm: Dò đáp án trước, sau đó giải và tư duy xem kết quả của mình có giống với đáp án không. Như vậy sẽ tiết kiệm được đáng kể thời gian, và bạn có "ấn tượng sâu sắc" với câu trả lời.
Theo Mực Tím