Cuốn sách đề cập tới nhiều vấn đề rất rộng, được thể hiện bằng văn phong báo chí, trình bày dễ hiểu, đồng thời nhiều ví dụ và số liệu cụ thể được cung cấp để người đọc có thể vận dụng cho mục đích cá nhân.
Những vấn đề được đề cập trong cuốn sách lại có phạm vi ý nghĩa rất lớn, và điều thú vị nằm ở chỗ là những vấn đề thực ra rất rộng và nhiều vấn đề có thể trái ngược với niềm tin xưa nay của không ít người.
Hai tác giả, Gordon Dryden và Jeannette Vos, đã sử dụng văn phong báo chí, vì vậy nhiều vấn đề sâu sắc đã được trình bày thật dễ hiểu, và đồng thời nhiều ví dụ và số liệu cụ thể đã được cung cấp để người đọc có thể thậm chí vận dụng ngay cho mục đích cá nhân.
Độc giả của cuốn sách này có thể là bất cứ ai - một giáo sư đại học hoặc một giáo viên mẫu giáo, một người làm việc trong bất cứ lĩnh vực gì cho tới một học sinh phổ thông. Một cô gái, chàng trai trẻ tuổi hoặc một phụ nữ nội trợ, một bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Cuối cùng, bản thân cuốn sách còn có thể được dùng để soạn những bản trình chiếu rất tiện lợi (powerpoint presentation): cuốn sách được trình bày theo cách mỗi trang chữ đều có một trang hình ảnh bên cạnh để minh hoạ.
Gordon Dryden, một người New Zealaland rời ghế nhà trường khi ông mới 14 tuổi, một điều bị coi là trái luật tại New Zealand, thế nhưng sau đó ông đã tự học và trở thành người rất nổi tiếng tại New Zealand: nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình, viết sách và chuyên gia về truyền thông đa phương tiện. Năm 1990, ông đã thuyết phục một quỹ từ thiện tại New Zealand tài trợ 2 triệu đô la để thành lập Quỹ Thái Bình Dương (Pacific Foundation) nhằm phát động một cuộc tranh luận về giáo dục trong thế kỷ XXI. Ông đã cùng một nhóm quay phim truyền hình đi tới nhiều nơi trên thế giới và ghi lại 150 tiếng băng hình tư liệu để biên tập thành sáu cuốn phim tài liệu mỗi cuốn dài một tiếng.
Jeannette Vos, một phụ nữ Hà Lan di cư tới Mỹ trong Thế chiến II. Bà làm giáo viên, song đã sớm thất vọng với hệ thống giáo dục của nước Mỹ, đến nỗi bà đã suýt từ bỏ nghề dạy học. Bà quyết định tạm dừng công việc dạy học để tập trung vào công trình luận văn tiến sĩ giáo dục học kéo dài bảy năm.
Gordon Dryden và Jeannette Vos gặp nhau tại một hội nghị quốc tế về học tập được tổ chức tại Mỹ vào năm 1990. Trong lần gặp lại nhau tại một hội nghị quốc tế khác, họ đã trao đổi với nhau các công trình nghiên cứu: sáu cuốn phim tài liệu của Gordon Dryden và luận văn tiến sĩ giáo dục học của Jeannette Vos.
Sau đó hai người đã quyết định viết chung cuốn Cách mạng học tập. Cuốn sách được xuất bản lần thứ nhất vào năm 1993, được dịch sang 20 thứ tiếng và được xuất bản tại 26 nước với số lượng tiêu thụ kỷ lục tại Trung Quốc: 10 triệu cuốn chỉ trong bảy tháng ra mắt. Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1993 cho tới lần tái bản sau cùng vào năm 2009 mà bản dịch tiếng Việt bạn đang cầm trên tay,Cách mạng học tập đã được tái bản năm lần có cập nhật.
Gordon Dryden và Jeannette Vos thông qua Cách mạng học tập đã lên tiếng cảnh báo sự lạc hậu thấy rõ của nhiều trường học trên thế giới so với sự phát triển kỳ diệu của những lĩnh vực khác của đời sống. Hai tác giả kêu gọi nhà trường hãy làm một cuộc cách mạng học tập để nhà trường và giáo dục xứng tầm với sự phát triển của nền văn minh nhân loại.
[...]
Hai tác giả của Cách mạng học tập kêu gọi một sự thay đổi trường học và giáo dục và thay đổi ngay lập tức. Động lực để tạo sự thay đổi là các cuộc cách mạng đang diễn ra theo hướng hội tụ với nhau, trong đó có cuộc cách mạng Web 2.0. Khác với quan niệm của Thung lũng Silicon, hai tác giả cho rằng Web 2.0 không đơn thuần như thể là một phiên bản nâng cấp của một phần mềm nào đó. Web 2.0 thực sự là một triết lý mới: giờ đây, một sự thay đổi được khởi phát từ những cá nhân ở cấp cơ sở (grassroots) có thể làm thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục (Chương 10) - thay đổi không diễn ra từ trên xuống mà là từ dưới lên: sự cá nhân hoá đại chúng (mass personalization) (Chương 11).
Nhờ Web 2.0, khi một thay đổi đi đến điểm tới hạn (tipping point), thì sự thay đổi đó dù rất nhỏ cũng có thể làm thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục. Tác giả Gordon Dryden có niềm tin vững chắc như vậy cũng là điều dễ hiểu: đất nước New Zealand của ông cách đây hai mươi năm đã giải tán Bộ Giáo dục Quốc gia, giải tán các Khu học chính (tương đương với các sở giáo dục của Việt Nam), chuyển đổi toàn bộ các trường học, dù công lập hay trường tư, thành trường bán công và ban giám hiệu của mỗi trường sẽ do phụ huynh, giáo viên và học sinh bầu ra: các ban giám hiệu sẽ là những tác nhân thay đổi (Chương 12).
Năm 2006, Gordon Dryden đã được Đại học Phát triển Công nghệ Arizona trao tặng bằng tiến sĩ danh dự vì những đóng góp cho công nghệ giáo dục (educational technology).
[...] Xin mời bạn đọc "thưởng thức trước" phát biểu của Bill Gates tại hội nghị các trường trung học của nước Mỹ năm 2005:
"Các trường trung học của nước Mỹ đã quá lạc hậu. Khi tôi nói lạc lậu tôi không nhất thiết định nói rằng nhà trường trung học của chúng ta đã đổ vỡ, rạn nứt và không được cấp đủ kinh phí - mặc dù mỗi điểm nói trên đều có thể là đúng như vậy. Khi tôi nói lạc hậu tức là tôi muốn nói rằng các trường trung học của chúng ta - ngay cả khi chúng đem lại hiệu quả đúng như mục đích đề ra - thì các trường học đó cũng không thể dạy cho con em chúng ta những gì mà chúng cần phải biết ngày hôm nay.
Các trường trung học của chúng ta được thiết kế cách đây 50 năm và chúng đã đáp ứng những nhu cầu của thời đại ấy. Nếu như chúng ta không thiết kế những trường học đó để đáp ứng những nhu cầu của thế kỷ XXI, chúng ta vẫn tiếp tục ngăn cản, thậm chí đánh hỏng cuộc đời của hàng triệu người Mỹ mỗi năm. Đó không phải một sự cố hoặc một thiếu sót trong hệ thống: chính bản thân hệ thống cần phải được thay đổi" (Chương 9).
Hi vọng quan niệm về thế nào là "thay đổi" của người sáng lập tập đoàn Microsoft và thông điệp củaCách mạng học tập sẽ đến được những ai có trách nhiệm với công cuộc cải cách nền giáo dục của nước nhà.
(Trích Lời người dịch Phạm Anh Tuấn)