Miền Trung, miền Tây Nam bộ... mỗi lần bão lũ, giông bão, người dân TP.HCM luôn nhiệt tình góp tiền, mang quà đi cứu trợ với trị giá lớn.
Người dân TP.HCM chung sức lo cơm miễn phí cho các thí sinh - Ảnh: Đức Tiến
|
Ngay cả vào những ngày mùa đông giá rét, người dân TP.HCM chở cả xe áo ấm đến tận những bản làng xa xôi miền Tây Bắc, trao tặng cho các em nhỏ chân trần vốn đang khoác những tấm áo mỏng manh.
Không nhiều nơi như TP.HCM, người dân tận tình nấu cơm ngon lành nhưng chỉ bán với giá 2.000 đồng mỗi suất ăn, rồi tình nguyện mang vào các bệnh viện sẻ chia cùng các bệnh nhân nghèo.
Ở TP.HCM, những địa điểm phát cơm từ thiện luôn dễ tìm thấy - Ảnh: Đức Tiến
|
Báo chí mỗi lần nêu hoàn cảnh thương tâm, người dân TP.HCM mang tiền đến cứu giúp. Không có tiền, nhiều người dân cũng đi lượm ve chai, quyên quần áo cũ để làm từ thiện.
Mỗi mùa thi, người dân TP.HCM lại mở lòng đón hàng chục ngàn thí sinh và phụ huynh, giúp các thí sinh đi thi được ở trọ miễn phí, ăn uống đầy đủ…
Từng nhiều năm sống ở những vùng bão lũ tang thương, đi qua những bản làng vùng cao mà nhiều đứa trẻ co ro trong giá rét mùa đông, rồi vừa mới chuyển đến sống ở TP.HCM, tôi có nhiều dịp chứng kiến và cảm nhận được những câu chuyện về sự giàu có lòng tốt đặc trưng này.
Sáng 4.7, đọc trên Thanh Niên Online bài báo Vòng tay người Sài Gòn, tôi thật sự xúc động và cảm phục (mà có lẽ nhiều người khác cũng có tâm trạng như tôi) trước chia sẻ đầy ý nghĩa của chú Lê Ngọc Hải dành cho những em học sinh nghèo đi thi đại học năm nay:
“Tôi chạy xe ôm để dành cả năm nay cũng được 10 triệu đồng. Tôi muốn dùng số tiền này để giúp đỡ những thí sinh nghèo, coi như tấm lòng của tôi đối với các em”.
Càng xúc động và cảm phục hơn khi biết chú vẫn đang ở trọ tại 334/64/170 Chu Văn An, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Ai cũng biết để tích cóp được 10 triệu đồng đối với nghề chạy xe ôm là điều không dễ dàng. Sẵn lòng mang tất cả số tiền tích cóp được sau nhiều tháng ngày vất vả mới có được để giúp người khác, cũng là điều không hề đơn giản chút nào, nhưng chú đã làm được.
Sống trọ, có thể chú Hải không phải người chính gốc Sài Gòn mà quê quán có thể ở miền Trung, miền Bắc…, nhưng có lẽ chú đã gắn bó mưu sinh với mảnh đất này, tôi nghĩ chú là một trong nhiều điển hình về sự giàu có lòng tốt của người Sài Gòn nói chung.
Thật ra hoàn toàn không phải duy nhất người dân TP.HCM biết làm từ thiện và giàu có lòng tốt, nhưng có lẽ cách làm của người Sài Gòn có chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh.
Các sinh viên tình nguyện sẵn sàng mang cơm miễn phí đến với các thí sinh
|
Phải chăng sống giàu có, giàu có lòng bác ái vẫn luôn hay hơn là chết giàu có, giàu có tiền của?
Tôi nghĩ người dân TP.HCM không hẳn giàu nhất Việt Nam, mà giàu có theo kiểu như vậy thì hay quá.
TP.HCM cũng còn không ít người phải nhọc nhằn mưu sinh hàng ngày, nhưng tôi nghĩ đa phần người dân TP.HCM cảm thấy mãn nguyện.
Sự mãn nguyện ấy có được nhờ giàu có lòng bác ái và sự hết mình sẻ chia cùng người khác.
Sự giàu có lòng bác ái của người Sài Gòn dường như tạo nên một điềm lành cho vùng đất này.
Nếu bây giờ được mong ước một điều, tôi mong cho người Sài Gòn càng ngày càng “giàu có”.
Và nếu như tất cả mọi người dù ở bất kỳ nơi đâu đều giàu có lòng bác ái và sự sẻ chia, tôi nghĩ cũng sẽ tạo nên được một điềm lành cho đất nước.
|
Người dân Giáo xứ Xây Dựng (Q.Tân Bình, TP.HCM) chung tay lo cơm ăn,
chỗ trọ miễn phí cho các thí sinh - Ảnh: Độc Lập
|
Đình Phú
Thanhnien.com.vn