Học sinh “né” thi ngoại ngữ vì ngại... viết
Trong số các môn thi tự chọn năm nay, điều khá bất ngờ là theo thống kê của Bộ GD-ĐT, môn ngoại ngữ là môn thi có thí sinh đăng ký dự thi gần cuối bảng, chỉ đứng trên môn lịch sử. Cả nước có 144.368 học sinh (HS) đăng ký, chiếm 15,85% tổng số HS dự thi. Trong đó, những tỉnh miền núi phía bắc có ít HS chọn thi môn ngoại ngữ nhất so với cả nước. Thấp nhất là Lai Châu, toàn tỉnh chỉ có 19 HS lựa chọn thi tiếng Anh; Hà Giang 52; Điện Biên 128; Bắc Cạn 140; Cao Bằng 170; Lào Cai 225…
Tìm hiểu của Thanh Niên cho thấy, ngay cả thành phố HS cũng không mặn mà chọn môn ngoại ngữ vì đề thi môn này năm nay có thêm phần thi viết, thay vì chỉ thi trắc nghiệm như các năm trước. Một HS Trường THPT Kim Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội, cho hay: “Dù em và đa phần các bạn cùng lớp thi khối D nhưng cũng ít bạn chọn ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp phần thi ngoại ngữ có thi viết trong khi thi tuyển sinh ĐH chỉ thi trắc nghiệm nên chúng em nghĩ rằng thi tốt nghiệp còn khó hơn cả thi ĐH”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, khẳng định việc có thêm phần thi viết là một đổi mới nhưng đổi mới đó không làm khó HS. Đề thi sẽ được ra vừa sức với những gì HS được học ở chương trình phổ thông.
Tỷ lệ phần thi viết của môn ngoại ngữ chắc chắn sẽ chiếm không quá 25 - 30% trong đề thi, phần trắc nghiệm sẽ chiếm tỷ lệ lớn hơn hẳn trong đề thi. Và như vậy, theo ông Trinh, thời gian làm bài cho mỗi phần cũng sẽ được tính toán sao cho thật hợp lý. Dựa trên tỷ lệ điểm của phần thi viết so với điểm toàn bài, theo thang điểm 10 để xác định các mức điểm tương ứng.
Do có thêm phần thi viết nên việc chấm bài thi ngoại ngữ cũng phải chia thành hai phần: phần trắc nghiệm gửi về Bộ để chấm bằng máy, còn phần thi viết thì các sở GD-ĐT sẽ chấm như đối với các bài thi tự luận khác. Do vậy, Bộ cũng có những yêu cầu khác trong quá trình làm bài thi đối với môn ngoại ngữ. Cụ thể, với môn thi này, các hội đồng coi thi phải có hiệu lệnh riêng (tính giờ làm bài, thu bài) đối với từng phần thi, theo thứ tự. Thí sinh làm bài phần trắc nghiệm trước, thu bài phần trắc nghiệm xong mới làm bài phần thi viết. Bộ cũng lưu ý: thời gian thu bài phần trắc nghiệm là 10 phút (không tính vào thời gian làm bài thi). Như vậy, tổng thời gian cho việc thi môn ngoại ngữ sẽ là 70 phút, trong đó 60 phút làm bài.
Cũng từ thay đổi này nên Bộ lưu ý thí sinh cần ôn luyện để phân bố thời gian làm bài hợp lý cho cả hai phần. Phần thi trắc nghiệm phải hoàn thành dứt điểm rồi mới làm bài phần thi viết vì phiếu thi trắc nghiệm sẽ được thu trước khi bắt đầu phần thi viết.
Với việc xử lý điểm phúc khảo, Bộ quy định: khi điểm chấm lại môn ngoại ngữ chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 10% điểm phần thi viết trở lên thì điểm phúc khảo là điểm mới của phần thi viết.
Lưu ý về thay đổi điểm liệt
Nếu như các năm trước, quy định điểm liệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là 0 thì năm nay Bộ quyết định mức điểm liệt là 1. Như vậy, nếu thí sinh dù đủ tổng điểm 4 bài thi đỗ tốt nghiệp nhưng có một bài thi chỉ được 1 điểm thì cũng sẽ không đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
Ông Mai Văn Trinh lý giải: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực HS và phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học, Bộ đã điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với một số đổi mới cơ bản như: giảm số môn thi, cho thí sinh tự chọn môn thi và phối hợp sử dụng kết quả thi cũng như kết quả đánh giá quá trình học tập để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh. Đi liền với những đổi mới này, việc quy định điểm liệt là 1,0 thay cho 0 điểm như trước đây là giải pháp nhằm nâng cao chuẩn điều kiện công nhận tốt nghiệp, nâng cao chất lượng của kỳ thi.
Một điểm mới trong quy chế thi năm nay là quy định không trộn lẫn thí sinh của hai trường phổ thông trong một phòng thi nếu thi liên trường. Ông Mai Văn Trinh lý giải việc tổ chức thi liên trường, cụm trường trước đây với quy định xếp thí sinh các trường phổ thông khác nhau trong cùng 1 phòng thi ở các hội đồng coi thi đã từng dẫn đến hiện tượng “cứu thi”: thí sinh ở trường có chất lượng thấp được thí sinh ở trường chất lượng cao hơn hỗ trợ làm bài thi. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho khâu coi thi còn là khâu yếu trong quy trình tổ chức thi.
Hướng dẫn bổ sung của Bộ cũng yêu cầu không tổ chức hội đồng coi thi riêng cho giáo dục thường xuyên, mà thi ghép với giáo dục THPT trong cùng một hội đồng coi thi.
Tuệ Nguyễn
Tuoitreonline.com