Máy tính
Sử dụng máy tính bây giờ đối với @ tím đã là chuyện xưa như trái đất. Thế nhưng, khai thác thế nào, sử dụng hợp lí thế nào không phải bạn nào cũng làm được. Nguyễn Bá Sơn, cựu học sinh lớp Toán - Tin, đại học Sư phạm Hà Nội, giải nhì Tin học quốc gia, đoạt hàng loạt giải Tin học không chuyên từ năm lớp... 6 vừa được tuyển thẳng vào ĐHQG Hà Nội là một ví dụ cho bạn.
Đến với tin học từ hồi 10 - 11 tuổi, Sơn xem máy tính là... thầy. Hoàn toàn tự mày mò, học hỏi cái máy tính, Sơn nhận ra chân lí: “Biết khai thác kho dữ liệu mênh mông trên net, chẳng hạn tham gia các diễn đàn học tập: Toán (http://diendantoanhoc.net), Tin (http://diendantinhoc.org, http://diendantinhoc.net, http://cuasotinhoc. net...), Hóa: http://hoahocvietnam. com; http://hoahocphothong.com..., Lí: http://ephysicvn.com; http://thienvanvietnam.com..., những diễn đàn uy tín do chính các thầy cô, những người đi trước tạo ra để đọc, học hỏi, chắc chắn, bạn sẽ giỏi hơn, hiểu biết sâu hơn ở bất kì lĩnh vực nào”. Anh chàng này rất có lí khi chứng minh mình giỏi ở rất nhiều lĩnh vực. Giỏi toán, tin, ngoại ngữ..., làm admin cho hai forum trường Giảng Võ và đại học Sư Phạm HN, Sơn còn đi làm thêm ở Đài Truyền hình.
Giống như Sơn, Phan Hoàng Huy, lớp 12 Toán trường Lê Quý Đôn Đà Nẵng cũng rất mê máy tính. Huy từng là đại biểu trẻ nhất trong buổi gặp gỡ thanh niên tiên tiến tại Hà Nội, nổi đình nổi đám trong giới học sinh Đà Nẵng với 2 giải nhất cho hai phần mềm Toán học và tra cứu từ điển trên điện thoại di động. Huy cho biết: “Mình thích Tin học và lao đầu vào tự học trên máy tính. Rất nhiều lần mình làm sai, làm hỏng và thất bại trong các kì thi tin học không chuyên năm lớp 8. Lên lớp 9, mình mới biết đến hương vị thành công.” Quá trình tự học bằng cách tham gia các diễn đàn chuyên ngành, các trang bách khoa toàn thư trên mạng... giúp Huy tiến bộ nhanh.
Và không chỉ có Sơn, Huy, tất cả các bạn đam mê máy tính và giỏi trong lĩnh vực này hầu hết đều có chung một công thức: Chịu khám phá Net+ biết lắng nghe, học hỏi từ bạn bè (trên Net)+ Kiên nhẫn.
Kế hoạch hoàn hảo
Nếu đến nhà của Thế Thông, thủ khoa tuyệt đối 30/30 duy nhất của TP.HCM (vào trường ĐH KHTN) bạn sẽ thấy tất cả các sách vở của Thông đều được sắp xếp rất ngăn nắp, hợp lí. Sách nâng cao, sách bồi dưỡng kiến thức các môn chính được Thông đặt ở vị trí dễ thấy nhất. Các bài kiểm tra, Thông bỏ trong một phong bì để xem lại, sửa lỗi sai. Chưa hết, trên tường, Thông dán một thời khóa biểu hàng ngày mà anh chàng tuân theo rất sít sao. Giống như Thế Thông, cô bạn Lan Anh, thủ khoa đại học Ngoại thương, có một quyển sổ tay nhỏ để ghi những kế hoạch cần làm trong tuần theo tiêu chí: việc quan trọng nhất, việc quan trọng nhì... và cứ thế Lan Anh làm theo kế hoạch. Lan Anh nghĩ: “Việc lập kế hoạch sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian, quản lí được thời gian mỗi ngày của chính mình. Chẳng hạn sẽ có lúc bạn sa đà vào chuyện giải trí, chơi game... nhìn vào thời gian biểu, bạn sẽ lập tức điều chỉnh lại ngay mọi thứ.”
Có kế hoạch cho cuộc sống của mình và làm theo nó, bạn chắc chắn sẽ tìm đến thành công.
Học chủ động
Không ai tự nhiên đạt được một kết quả học tập tốt mà không biết sắp xếp việc học, tự tìm phương pháp phù hợp với mình. Hoàng Lan, sinh viên năm 1 đại học Colgate, New York kể: ÒCuối năm học 11, mình muốn làm bước đột phá là có được học bổng du học. Thế là suốt mùa hè năm lên 12 mình tập trung học ngoại ngữ, đi học những lớp giao tiếp, các lớp dạy phát biểu trước công chúng (public speaking). Từ những ngày theo học các khóa đó, mình mới khám phá ra mình còn thiếu nhiều điều: sự tự tin trình bày quan điểm, cách giải quyết vấn đề, cách suy nghĩ logic. Kết quả là cô bạn lấy được học bổng toàn phần 40.000 USD của trường đại học Colgate.
Thế nhưng, bạn cũng có thể nghĩ là những người bạn trên học giỏi, có điều kiện học tốt nên mới có thể chủ động? Không hẳn như vậy.
Trường Nguyên, cựu học sinh trường Hùng Vương, Gia Lai có hoàn cảnh rất khó khăn. Đi học, anh chàng có độc nhất một bộ đồng phục học sinh, một chiếc xe đạp cũ kĩ. Mỗi ngày, một buổi đi học, một buổi đi bán vé số để kiếm tiền trang trải đời sống, Nguyên vẫn luôn tin rằng mình sẽ đỗ đại học mà không cần phải luyện thi nhiều (Nguyên chỉ được một thầy dạy vẽ ôn tập giúp). Đi từng bước chậm, Nguyên đã tạm thời thành công một bước khi vừa đỗ thủ khoa khoa Kiến trúc, đại học Kiến trúc TP.HCM.
Nguyên bật mí: “Mình vẽ ước mơ mọi lúc mọi nơi: vẽ phác họa bức tranh trong đầu khi đạp xe trên đường; vẽ cách giải giải bài toán xây dựng khi thấy một ngôi nhà đang xây, tự hỏi, tại sao con đường nọ lại có nhiều đồi dốc?...”
Bạn thấy đó, những người bạn @ tuổi tím trên đây đã chọn cho họ một gia sư hợp lí tại nhà của mình. Gia sư đó có thể là một chiếc máy tính nối mạng, một kế hoạch học tập hoàn hảo do bạn đề ra và đi theo, một tư thế học tập sẵn sàng, chủ động để luôn chuẩn bị ứng phó với mọi trường hợp, mọi khó khăn trong việc học. Gia sư @, một tên gọi ví von để nhắc nhớ bạn: bạn sẽ có được một gia sư tốt bằng cách tự khám phá những cách học tập phù hợp nhất với bạn.
THỤY QUÂN thực hiện
Báo Mực Tím
|