Buổi họp phụ huynh cuối năm tại một trường THCS ở TPHCM, giáo viên chủ nhiệm thông báo kết quả học tập: 98% học sinh (HS) đạt loại Giỏi (49 em) và chỉ duy nhất một HS đạt loại Khá.
Học sinh toàn giỏi, học sinh Khá trở thành "của hiếm".
Hết hồn! Một kết quả quá xuất sắc mà ở đó phải chăng thầy và trò phải là những thần đồng? Mà đây đâu còn là chuyện hiếm, kết quả tỷ lệ HS… toàn giỏi hiện nay có nhan nhản ở các trường học. HS đạt kết quả học tập cao lẽ ra là điều đáng mừng nhưng phải thốt lên: “Chẳng lẽ học trò chúng ta giỏi đến vậy?”. Giỏi đến vậy thì đáng lo vô cùng!
Vì thành tích trên giấy tờ, để tung hô nhau và để tất cả cùng vui, trẻ đang phải gánh trên người những danh hiệu, kết quả mà người lớn mong muốn. Giáo dục thay vì giúp các em khám phá năng lực, phẩm chất bản thân lại đang “thổi phồng” HS bằng điểm số không thực chất. Chưa kể, các em còn phải gánh một áp lực khủng khiếp để cố mặc chiếc áo mà người khác khoác lên mình.
Chưa nói HS Trung bình, HS Khá bây giờ đã thuộc thành phần hiếm và trở nên “cá biệt”. Các em mang về kết quả HS Khá đồng nghĩa là đưa đến… nỗi ê chề cho cả gia đình. Con phải đạt kết quả Giỏi, bằng mọi giá.
Ở trường học nọ tại Cần Thơ, phụ huynh còn đi "tố" nhà trường ra đề kiểm tra khó, làm con họ không đạt kết quả giỏi cho dù đã gần 3/4 số em đạt điểm 9 - 10. Nhiều địa phương khác cũng đã có tình trạng này khi nhà trường cho đề "nặng ký" một chút để phân loại HS. Điều nhiều phụ huynh đang cần là con phải đạt điểm cao chứ không phải là năng lực, phẩm chất thật sự của đứa trẻ.
Không chỉ học trò, phụ huynh mà giáo viên cũng là “nạn nhân” của căn bệnh thành tích. Bao nhiêu bi hài cũng từ đây mà ra. Nhiều giáo viên không dám cho học trò điểm thấp, chạy đua theo “chuẩn” HS giỏi. Dù HS không đủ khả năng lên lớp nhưng thầy cô không thể cho ở lại lớp. Tình trạng học trò “ngồi nhầm chỗ” cũng từ đó mà ra.
Họ hiểu rõ hơn ai hết thực chất của kết quả toàn giỏi kia. Có giáo viên lúng túng khi học trò thắc mắc, em nhiều năm đạt HS giỏi, điểm ở lớp toàn 10 mà cô lại nói em không đủ năng lực để thi vào trường chuyên.
Học trò gặp những cú sốc khi không vượt qua được những cuộc thi lớn chưa hẳn vì các em thi trượt mà vì các em sốc khi hàng ngày quá tự tin với những điểm 9, điểm 10 quá dễ dàng có được của mình.
Có cậu học trò lớp 12 nọ đạt điểm trung bình 9,4, khi nhiều phóng viên báo đài liên hệ phỏng vấn viết bài, em ngượng chối đây đẩy. Theo như lời em:Lớp còn nhiều bạn điểm cao hơn nhiều. Điểm như em là bình thường, có gì đâu mà giỏi.
Điều cậu học trò nói quá bất thường mà lại rất trúng. Nhưng đâu phải ai cũng nhận ra điều này như em hoặc ai cũng biết mà không muốn đối diện, thừa nhận. Phụ huynh vẫn quay cuồng nhồi trẻ đến lớp học thêm để con đạt kết quả giỏi. Tỷ lệ HS giỏi cao luôn là niềm tự hào của các trường, thường xuyên được nhắc đến trang trọng, vẻ vang trong các lễ tổng kết hay các báo cáo.
Gia đình và nhà trường như đang cùng nhau "tâng bóng". Phụ huynh chạy theo áp lực thành tích của ngành giáo dục. Còn ngành Giáo dục lại “ru ngủ” các ông bố bà mẹ bằng những kết quả cao chót vót của học trò.
Giá như kết quả học tập mà cô giáo chủ nhiệm thông báo ở lớp học nọ tại buổi hợp phụ huynh đảo ngược thì đáng để yên lòng hơn. Còn như hiện nay, khi chấm điểm cho HS, giáo viên cần kèm theo một lời chú thích “Phụ huynh, HS đừng vội mừng với những điểm 9, điểm 10 này” - như lời chia sẻ chua xót của một nhà giáo.
Lê Đăng Đạt
Dantri.com