Ngày hôm nay phải khác ngày hôm qua và tương lai chắc chắn phải là những chuỗi ngày không trùng lắp. Có như thế cuộc sống của bạn, bao gồm cả cuộc sống thực và thế giới tinh thần, mới thật sự là những ngày trọn vẹn có ý nghĩa. Từ những trải nghiệm tích hợp và cá nhân, những bài viết trong chuyên đề thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau. Không khó để nghĩ khác, thậm chí bạn cũng có thể như thế, từ những đối thoại với trẻ nhỏ.
Những vết hằn của thời gian thoáng hiện và rõ dần trên gương mặt khi chúng ta bước qua những tháng năm của đời người. Dòng chảy ấy đưa chúng ta đến ngày càng gần hơn với những giới hạn của con người. Ai cũng sẽ đến lúc già đi và rời khỏi cuộc sống này, vì vậy mỗi ngày sống là mỗi ngày hết sức ý nghĩa – cho ta cơ hội để khám phá vô vàn những bí ẩn kỳ diệu và tận hưởng những điều thú vị. Vậy mà không ít người đã “giam cầm” mình trong quá nhiều giới hạn, mà nhà tù lớn nhất mỗi người tự đưa mình vào là “nhà tù tâm trí”; cụ thể là: chúng ta không cho phép suy nghĩ của mình vượt ra khỏi cái khuôn hạn hẹp sẵn có, để rồi cuộc sống ta ngày càng trở nên nhàm chán, tù túng, bế tắc và mất đi rất nhiều niềm vui.
Lúc vừa mới sinh ra, não chúng ta chưa có những kết nối thần kinh, nhưng sau đó không lâu – chỉ trong vòng ba năm đầu đời, não có hơn 15.000 kết nối thần kinh. Đến tuổi trưởng thành, não đã tiếp thu được một khối lượng kiến thức và thông tin khá lớn từ thế giới bên ngoài qua học tập, làm việc cũng như những trải nghiệm trong cuộc sống. Những điều đó được chúng ta lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, dần dần hình thành thói quen hay chính là thế giới quan của riêng mình. Khi đó, não chúng ta “tuyên bố”: “Tôi biết đủ rồi!”
Tuổi trưởng thành – lúc mà lẽ ra tâm trí của chúng ta bắt đầu có đầy đủ mọi điều kiện để tiếp tục khám phá sâu hơn, rộng hơn về cuộc sống, thế giới, con người và bản thân, thì lại là lúc chúng ta “nhốt” mình trong những điều đã biết và tự đóng sầm cánh cửa đi vào cuộc sống.
Từ lúc này, tất cả những gì thuộc về thế giới bên ngoài chỉ được não đón nhận và lý giải theo cách đã đóng khung, “thẳng thừng” từ chối hầu hết những gì khác lạ so với điều não chúng ta đã từng biết. Như vậy, cuộc đời chúng ta chấm dứt sớm hơn chúng ta tưởng vì chúng ta không thay đổi được cách nghĩ và cách đón nhận những điều mới mẻ trong cuộc sống này. Benjamin Franklin đã có một câu nói rất đáng để suy nghĩ, rằng: “Nhiều người chết từ năm 25 tuổi, và mãi đến năm 75 tuổi mới được chôn cất”.
Như vậy, một điều hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng đó là phải thoát khỏi cái khung hạn hẹp đã trì níu chúng ta. Bằng cách nào?
Nghĩ thoáng giúp chúng ta thu nhận cuộc sống và đón nhận người khác dễ dàng hơn
Nghĩ thoáng
Những gì bạn từng biết chỉ bó hẹp ở miền đất nơi bạn sinh sống, trong những tình huống và hoàn cảnh chỉ có mình bạn trải qua, ở phạm vi rất hẹp của những kiến thức và kinh nghiệm của riêng bạn. Vì vậy, để có thể nghĩ thoáng, bạn phải mở rộng chiều kích suy nghĩ của mình. Khi bạn nghe những thông tin, một câu chuyện hay về một con người nào đó mà mình chưa từng biết đến bao giờ thì trước hết hãy đón nhận chứ đừng phê phán. Bạn không thể lấy những hiểu biết và trải nghiệm hết sức nhỏ bé và ít ỏi của mình ra để làm chuẩn đối chiếu và đánh giá về một điều khác lạ, mới mẻ hoàn toàn. Ngoài ra, bạn hãy biết mở rộng chiều kích thời gian trong suy nghĩ để có thể nhìn xa hơn về tương lai. Cứ mãi lầm lũi sống mà mịt mù về tương lai thì rất dễ nản lòng và bế tắc. Nhìn về tương lai với niềm hy vọng luôn làm cho chúng ta vững vàng trước những nghịch cảnh hiện tại.
Nghĩ thoáng giúp chúng ta thu nhận cuộc sống và đón nhận người khác dễ dàng hơn, bớt khắt khe và phán xét hơn, và mở rộng được sự kết nối của bản thân với người khác và với thế giới. Để nghĩ thoáng, bạn hãy đi nhiều, đọc nhiều, đón nhận nhiều để biết rằng cuộc đời phong phú và có quá nhiều điều thú vị.
Nghĩ lớn
Bạn không phải là những gì bạn đang nhìn thấy, nhưng chính là những gì bạn thường xuyên nghĩ đến. Đừng chỉ nghĩ về những gì đang diễn ra, mà hãy nghĩ đến cả những điều bạn chưa thấy bao giờ. Hãy dồn sức tập trung để nhìn về nơi muốn đến chứ đừng nhìn vào nơi bạn hiện đứng lúc này. Hôm nay bạn đang ở vị trí này, nhưng hãy nghĩ về ba năm, năm năm hay mười năm nữa mình sẽ phải trở thành người có tầm vóc lớn hơn, thu nhập cao hơn và hạnh phúc nhiều hơn như thế nào. Thế giới này thuộc về những kẻ dám ước mơ. Mọi thay đổi của cuộc đời bắt đầu bằng việc dám thay đổi suy nghĩ. Tương lai của bạn được hình thành ngay trong suy nghĩ của bạn hôm nay.
Khi chưa có thói quen và chưa biết cách để nghĩ lớn, bạn hãy thường xuyên gặp gỡ với những người nghĩ lớn, xem những cuốn sách khoa học viễn tưởng, đọc những bài viết dự báo về tương lai, và không ngừng rèn luyện khả năng tưởng tượng của mình. Bạn hãy luôn nhớ là không hề có giới hạn cho bất cứ một ước mơ nào của chúng ta.
Không cuộc đời nào giống cuộc đời nào nên đừng bao giờ vội tin tuyệt đối
vào những gì bạn được nghe thấy mà chính bản thân bạn phải trải nghiệm
Nghĩ khác
Luôn có một cách nào đó tốt hơn. Nhất định là như vậy, vì chúng ta đang sống trong một cuộc sống tiến hoá không ngừng. Vì thế đừng giới hạn mình trong những lối nghĩ cũ kỹ, rập khuôn, xưa cũ. Tất cả mọi giải pháp trong cuộc sống chỉ có thể sử dụng một lần, vì một khắc trôi qua là thế giới và con người đang ở một thời điểm khác, không gian khác và vị trí khác, không có gì còn giống như cũ nữa. Nếu bạn không nghĩ khác đi thì chính là bạn đang đi lùi lại so với sự phát triển. Đừng bao giờ cho rằng đã hết cách, hay đây là cách tốt nhất; đó có thể là cách tốt nhất trong hiện tại, nhưng vẫn có nhiều cách khác tốt hơn trong tương lai. Chúng ta luôn mong muốn đạt đến sự hoàn hảo nhưng không bao giờ có sự hoàn hảo tuyệt đối; đó là điều thú vị mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta, món quà đó mang tên: không giới hạn. Hạnh phúc, niềm vui, thành công, thịnh vượng dành cho chúng ta là vô biên. Bạn có thấy cảm kích những điều vũ trụ này dành cho mình?
Trước mọi sự việc – dù là thành quả rực rỡ hay những thất bại đắng cay của mình, hãy luôn đặt câu hỏi: cách nào khác để kết quả tốt hơn? Với câu hỏi này, bạn sẽ bước vào cuộc chinh phục đầy hứng khởi để khám phá và tận hưởng cuộc sống kỳ diệu này.
Nghĩ phản biện
Mỗi chúng ta đều phải sống cuộc đời của chính mình, chịu trách nhiệm 100% về mình và không cuộc đời nào giống cuộc đời nào. Những kinh nghiệm của người này chưa chắc đã phù hợp với người kia, chúng có thể đúng trong trường hợp này nhưng lại gây nguy hại trong trường hợp khác. Vậy thì đừng bao giờ vội tin tuyệt đối vào những gì bạn được nghe thấy mà chính bản thân bạn phải trải nghiệm. Những kinh nghiệm của người khác là cần thiết, đáng để chúng ta suy nghĩ và tham khảo, nhưng phải luôn tỉnh táo để có những hoài nghi khôn ngoan, vì điều gì cũng tin tưởng tuyệt đối và áp dụng triệt để ngay chính là ta đang đánh mất cuộc đời mình.
Để rèn luyện lối suy nghĩ phản biện, từ bây giờ, khi đọc thấy hoặc nghe thấy bất cứ một đúc kết nào, bạn cũng nên tự đặt ra nhiều câu hỏi để hiểu rõ hơn: Có cách nhìn nào khác hơn? Điều đó đúng trong trường hợp nào? Đâu là những hạn chế? Vận dụng như thế nào mới hiệu quả? Đâu là điều phù hợp với mình? Liệu cách này có thể cho ra một kết quả khác không?... Sống, trải nghiệm và điều chỉnh liên tục thì bạn mới có được những kinh nghiệm của chính mình.
Diễn giả Quách Tuấn Khanh