Đừng để trẻ thụ động
Vợ chồng anh bạn tôi đều là chuyên viên vi tính. Mỗi tối, đúng 19g, đứa con trai tám tuổi phải ngồi vào bàn học. Chị Quyên săm soi từng nét chữ viết, coi kết quả làm bài và điểm số hôm nay của con. Hôm nào bé Quỳnh lỡ mang về điểm 7, điểm 8 là chị khó chịu ra mặt và chị truy bằng được lý do bị điểm “kém”. Nhìn mặt bé ngơ ngác trước những lời chì chiết của mẹ mới thấy thật đáng thương: “Sao con kém thế, đã học trước ở nhà mà vào lớp vẫn làm sai!”.
Điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại làm cho bé mất dần tự tin vào chính bản thân mình và học hành ngày càng sa sút.
Ảnh minh họa: GettyImages.com
Chị chồng tôi làm giám đốc một công ty nên thường xuyên phải xa nhà, mọi việc học hành của con, anh chị “khoán trắng” cho gia sư. Một thời gian dài, anh chị đã yên tâm, tới khi giáo viên gọi điện hỏi thăm hoàn cảnh gia đình và cho biết bé toàn nhận điểm kém anh chị mới tá hỏa.
Chị bực bội trút hết cơn thịnh nộ lên đầu cô gia sư sinh viên đang dạy kèm tiếng Việt và Toán cho con mình: “Cô dạy kiểu gì mà con tôi học càng ngày càng tệ, tiền thì nhận mà sao cô không trách nhiệm gì hết vậy?”. Thế là trong vòng ba tháng, chị thay tới hai lần gia sư mà tình hình cũng không tiến triển. Càng ngày con gái chị càng không chủ động làm bài tập mà luôn trông chờ vào cô giáo dạy kèm “hướng dẫn” cách giải bài. Lúc nào không có cô giáo, con bé chỉ chơi game chứ không học bài.
Khơi gợi sự hứng thú của trẻ
Bé Hà, con chị hàng xóm nhà tôi vừa đoạt giải học sinh giỏi tiếng Anh lớp 9 cấp thành phố. Tôi được biết cháu không hề đi học thêm. Mẹ cháu cho biết chị cũng không mất nhiều thời gian kèm con học. Từ nhỏ, bé Hà đã làm quen với môn tiếng Anh từ những bộ phim hoạt hình tiếng Anh và những clip tiếng Anh ngộ nghĩnh, những phim hoạt hình trên YouTube… Thấy con thích thú, vợ chồng chị dẫn con đi nhà sách mua thêm bảng chữ cái có những con vật và những hình ảnh liên quan tới tiếng Anh mà thật ấn tượng, dễ thương… cho bé Hà treo trong phòng. Được một tờ báo phỏng vấn khi nhận giải, cháu đã nói: “Cha mẹ chỉ trao cho em công cụ, còn sự học hỏi, tìm tòi đã dẫn em tới thành công. Khi thắc mắc điều gì, em thường hỏi bố mẹ hay tìm trên internet. Có điều kiện, em lại xin phép cha mẹ mua thêm sách, đĩa để tự học”.
Nhiều bậc cha mẹ ít có thời gian quan tâm, sâu sát chuyện học của trẻ nên cứ giao phó cho gia sư hay cô giáo… đã dẫn đến việc trẻ lơ là, mất căn bản và dần dần chán, sợ học. Cha mẹ cần theo sát để nắm được các khó khăn của con và tháo gỡ, đồng thời tìm cách khuyến khích và tạo điều kiện phát huy những khả năng bẩm sinh của con.